Công trình Văn hóa


Đài tưởng niệm đôi bờ Hiền Lương

Chủ đầu tư
Sở Văn hóa Thông tin Tỉnh Quảng Trị
Thời gian thực hiện
2002
Địa điểm xây dựng
Sông Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị
Quy mô công trình

Chi tiết

Sau hiệp định Giơnevơ 1954, đất nước ta bị chia cắt làm hai miền mà giới tuyến là sông Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị. Từ đó, bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc ta kéo dài suốt 21 năm. Con sông Hiền Lương trở thành nỗi đau chia cắt của cả dân tộc nhưng cũng là nơi thể hiện khát vọng thống nhất không gì lay chuyển nổi và sáng ngời Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng trong cuộc đấu tranh của dân tộc ta chống lại Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Giờ đây, chiến tranh đã đi qua, khát vọng đó đã trở thành hiện thực,

“Học đi em, học đi mà nhớ mãi

Quê hương ta liền một dải

Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng cái…”

(Tố Hữu)

Sông Hiền Lương với những con người, những sự tích trong suốt những năm tháng đau thương chia cắt đó đã đi vào lịch sử của dân tộc như một huyền thoại. Cụm di  tích Đôi Bờ Hiền Lương phải trở thành bài ca về khát vọng và giá trị của độc lập thống nhất, đồng thời toát lên ý chí kiên cường, truyền thống đấu tranh anh dũng của quân dân hai miền, để xoá đi vĩnh viễn nỗi đau chia cắt ấy. Đó cũng chính là ý tưởng chủ đạo của phương án qui hoạch cụm Di tich Đôi bờ Hiền Lương.

Tổng thể qui hoạch Di tich Đôi bờ Hiền Lương lấy trục là cây cầu Hiền Lương 1973, gắn kết đôi bờ Nam – Bắc thành một thể thống nhất hướng về một tâm chung trên bờ Bắc. Tâm ấy là giao của cầu sắt cũ và cầu bê tông mới, đồng thời cũng chính là giao của quá khứ bi thương với hiện tại và tương lai sáng ngời.

Qui hoạch phần bờ Bắc là những đường tròn khác cốt có tâm chung ấy, ôm lấy đầu cầu, kết hợp với những đường đi hướng tâm gợi cảm giác như đang toả sáng. Người đi trên Quốc lộ 1A, khi qua đây, dù muốn hay không đều đã bị lôi cuốn vào một khung cảnh hoành tráng , trải rộng và lan tỏa. Phần bờ Nam là nỗi trông ngóng, hy vọng, hướng về phía Bắc, thể hiện tấm lòng thiết tha, mong mỏi, hy vọng của nhân dân miền Nam đối với miền Bắc, quyết tâm đoàn kết vượt qua chông gai, bão tố để đạt được thắng lợi cuối cùng : Bắc Nam sum họp.

Trong suốt 21 năm chia cắt, đôi bờ Hiền Lương là nơi thể hiện rõ nét nhất tinh thần anh dũng hy sinh, lòng quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, bảo vệ lá cờ, bảo vệ niềm tin của nhân dân miền Nam đối với miền Bắc. Giờ đây, con sông ấy trở về với chức năng muôn thuở của nó là đem sự sống đến cho đôi bờ. Chỉ có cây cầu xưa đã được thay thế bằng một cây cầu mới khang trang hiện đại hơn, nối liền đôi bờ Nam Bắc. Nhưng những ký ức của nhân dân cả nước, đặc biệt là nhân dân Quảng Trị, về cây cầu xưa thì không bao giờ phai nhạt. Cây cầu ấy đã chuyển sang một chức phận mới: đưa khách bộ hành tham quan tổng thể di tích cả hai bờ. Bước chân trên cây cầu ấy (cho dù nó không phải là cây cầu đã chứng kiến phần lớn thời gian chia căts, nhưng vẫn in đậm trong ký ức cong người về thời kỳ oanh liệt ấy), khách tham quan sẽ thấy mình vô cùng nhỏ bé nhưng hoà nhập vào khung cảnh hoành tráng, bao la nhưng trầm lắng.

Tổng thể qui hoạch không chú trọng phát triển chiều cao, không bố trí những khối công trình mới cũng như tôn tạo, mà dàn trải trên bề mặt nằm ngang, tạo nên thế độc tôn cho cột cờ và tượng đài. Trên mặt bằng, bờ Bắc là những đường tròn đồng tâm, vừa gợi cảm giác toả sáng, vừa tượng trưng cho quyết tâm chiến đấu và hy sinh của nhân dân miền Bắc, đoàn kết xung quanh Bác Hồ kính yêu bảo vệ những thành quả của Chủ nghĩa Xã hội. Bờ Nam là những tuyến đi bộ thẳng hướng về trục cầu, kết lại bởi nhóm tượng đài “Khát vọng thống nhất”, tượng trưng cho các thế hệ, các tầng lớp nhân dân miền Nam, một lòng khát khao hướng về miền Bắc. Cách tổ chức theo tuyến dài như dẫn dắt người xem hiểu hơn về chặng đường đấu tranh gian khổ mà oanh liệt của nhân dân miền Nam để có được ngày sum họp. Chính vì những lý lẽ ấy, cây cầu Hiền Lương 1973 phải được giữ lại và tôn tạo để đóng vai trò nối liền trục qui hoạch đôi bờ và quan trọng hơn nó là thực thể gây xúc động nhất trong số những di tích ở đây. Không có bia đá hay sự tái tạo nào có thể có giá trị cảm xúc hơn những ký ức trong lòng người, trước một thực thể lịch sử như thế.

Những công trình cũ tại đây, nay không còn dấu vết như Nhà liên hợp, Đồn công an, giàn loa phóng thành sẽ được tái tạo lại về vị trí và lưu giữ trong nhà bảo tàng trên bờ Bắc. Vị trí tượng đài được tính toán để hoà nhập vào bố cục tổng thể, đảm bảo khung cảnh nghiêm trang và đạt hiệu quả về tầm nhìn.

Do tính chất quan trọng của cụm di tích và vai trò của nó trong toàn tuyến di tích của tỉnh Quảng Trị , một bến thuyền du lịch trên bờ Bắc sẽ phục vụ việc đưa khách đi theo sông Bến Hải đến những di tích và danh thắng khác nằm dọc sông, như bến đò B Tùng luật, cửa Tùng…

Các bãi đỗ xe được bố trí diện tích đầy đủ, nhưng vẫn tuân thủ ý tưởng chung.

Tổng thể quy hoạch cụm di tích Đôi Bờ Hiền Lương không nhắm tới mục đích thiết kế những vườn cây, khu nghỉ hay dịch vụ giải trí, bởi sự có mặt của chúng ở đây sẽ phá vỡ sự  nghiêm trang hoành tráng và tràn đầy những suy tưởng, điều mà tất cả những quần thể tưởng niệm phải hướng đến đầu tiên. Tại đây cũng không có tượng đài tố cáo tội ác của giặc Mỹ  bởi chính tổng thể ấy đã nói lên một điều: Không có sự giết chóc, đàn áp, đốt phá nào của quân thù lại ghê tởm bằng vết cắt mà chúng gây ra trên cơ thể đất nước, cơ thể của dân tộc Việt Nam tại chính nơi này!

Chính bởi những lý lẽ ấy, việc phá bỏ cây cầu sắt năm 1973 sẽ làm tổn thương ký ức tình cảm của mỗi người dân. Cây cầu ấy, cho dù ra đời muộn màng nhưng đã chứng kiến và đóng góp vào giai đoạn vinh quang nhất của cuộc kháng chiến.

Để bắc được cây cầu ấy, dân tộc ta đã phải vượt qua 20 năm chia cắt, với tất cả những hi sinh mất mát lớn lao nhất và bằng một ý chí quyết tâm, một niềm hy vọng tin tưởng vô bờ bến về một tương lai thống nhất.

Việc chọn trục của cây cầu ấy làm trục của tổng thể quy hoạch tức là bảo vệ giá trị lịch sử của nó, giá trị của một cây cầu mà hàng trục triệu người dân Việt Nam ngót 1/ 4 thế kỷ thì mới bắc xong bằng biết bao máu và nước mắt, một cây cầu bắc giữa đêm dài thuộc địa và độc lập tự do .

Dù biết rằng sự hi sinh mất mát, nỗi mong chờ khắc khoải và niềm tin tưởng hy vọng thì không có gì tả xiết, nhưng những gì mà tổng thể cụm di tích muốn nói sẽ phần nào thể hiện sự trân trọng, hoài tưởng của những thế hệ hôm nay và mai sau đối với nỗi khát vọng thống nhất, lòng chung thuỷ sắt son và sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh trong một chặng đường kháng chiến sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, để xoá đi vết chia cắt đau thương trên mình dân tộc, và để cho những câu hò trên bến Hiền Lương mãi mãi tươi ngân.

Thuyết minh Tượng đài Cột cờ Bờ Bắc

Suốt 21 năm trường kỳ đấu tranh gian khổ, sông Hiền Lương trở nên một giới tuyến, lửa, máu và nước mắt đã thấm sâu và lòng đất Quảng Trị thân thương.

Cây cột cờ đỏ sao vàng bên bờ Hiền Lương đứng vững và phát triển cả chiều cao và bề rộng của lá cờ đã chứng tỏ cho ý chí và sức mạnh của chế độ ta xứng đáng với niềm tin yêu hy vọng của đồng bào miền Nam ruột thịt gửi gắm.

Do ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn lao như vậy nên trong tổng thể quy hoạch cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương cột cờ đã trở thành một tượng đài đặc biệt,ghi lại một dấu ấn quan trọng trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta cuối thế kỷ 20 này.

Biểu tượng chính của tượng đài là cột cờ thế 3 chân vững chắc cắm trên nền tảng vững chắc là lòng dân và chính sự nghiệp đấu tranh của họ đã bảo vệ cây cờ. Cây cột cờ 3 chân biểu tượng cho sức mạnh trong cuộc chiến tranh nhân dân của 3 lực lượng: Quân đội chính quy, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân được thể hiện ở 6 mảng, phù điêu trên nền bệ đài. Đài cột cờ cao 27,4m, trên cùng được mô tả một ngôi sao vàng phát sáng suốt ngày đêm mô phỏng một ngôi sao bằng đồng đường kính 1,2m trước kia một thời đã khắc sâu trong lòng người dân đất Quảng trị. Ngôi sao vàng là nơi giữ dìn niềm tin của đồng bào miền Nam.

Hình tượng xung quanh cột cờ  là sự khái quát quá trình đấu tranh giữa ta và địch để bảo vệ lá cờ.

Trong biết bao người con thân yêu ngã xuống dưới mảnh đất này. Tên tuổi và sự hi sinh của họ mãi mãi tỏa hương cho thế hệ mai sau.Dưới chân cột cờ đặt một đỉnh hương mang bóng dáng của trống đồng Đông Sơn Việt Nam. Phía trước đài là 2 pho tượng “Lời thề của người chiến sỹ” một bên là anh bộ đội Cụ Hồ, một bên là anh Công an giới tuyến trong tư thế bồng súng bảo vệ. Phía sau Đài là một nữ du kích, hai tay cầm cây súng trường trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Trên 3 mặt bệ của tượng đài mô tả các sự kiện chính của quân và dân Quảng trị đã anh dũng hy sinh bảo vệ bằng được cây cờ trong suốt thời gian dài 21 năm.

Toàn bộ đài cao 30m, bệ cao 3,6m, gồm 18 bậc lên xuống, đài cột cờ cao 27,4m. Chất liệu bệ tông ốp lát đá trắng hoặc gốm trắng. Tượng và phù điêu đá granite hoặc đá sa thạch màu xanh ô liu.

Hướng chính của đài nhìn về Nam, lệch với trục Nam Bắc 100, hướng này có lợi thế về ánh sáng mặt trời làm cho đài nổi khối hơn.

Thuyết minh cụm tượng đài Khát vọng thống nhất

Ngày ấy, con sông vẫn hiền hoà mà lòng người đau cắt.

Câu chyện chia cắt đôi bờ Hiền Lương là một câu chuyện lịch sử đầy bi thương của dân tộc ta.

Người phía Nam kiên cường bất khuất, chiến đấu giữ đất giữ làng bảo vệ quê hương … sống trong cảnh nước sôi, lửa bỏng của một cuộc chiến suốt 21 năm ròng chia cắt. Tấm lòng son sắt thuỷ chung của người dân miền Nam, luôn hướng về Bờ Bắc, nơi những người chồng, người con đã ra đi. Dường như những tình cảm cao cả đó đã cô đúc trong tấm lòng của những người mẹ, người vợ, người con giữa miền Nam yêu thương.

Sự khát vọng, sự mong mỏi, kiên cường thuỷ chung trong suốt chiều dài lịch sử ấy đã là nguồn cảm hứng, đã là ý đồ tư tưởng để tạo nên tượng đài “Khát vọng thống nhất” để người đời sau nhớ mãi những kỳ tích trong sự đau thương của dân tộc ta, một ghi nhận lịch sử, mà địa danh này đã là một khung cảnh cô đúc trong mỗi chúng ta. Tại nơi đây trong khung cảnh hoà bình của đất nước câu chuyện này còn nguyên như một huyền thoại.

Cụm tượng đài lấy cây dừa làm hình tượng chính tượng trưng cho các thế hệ miền Nam một lòng hướng về miền Bắc, hướng về Bác Hồ kính yêu kiên định trong khó khăn gian khổ. Trong cuộc đấu tranh đó hình tượng người phụ nữ được dựng lên làm biểu tượng. Trong phương án này, hình tượng người phụ nữ đứng ở giữa ,mắt hướng về phía Bắc ánh lên nỗi khắc khoải và hy vọng, tay ôm vai đứa con gái nhỏ. Cụm tượng gợi lên nỗi khát vọng thống nhất cháy bỏng của đồng bào miền Nam kiên định, bất khuất đi theo cách mạng.

Tượng đài cao 24m được làm bằng chất liệu bê tông, bắn kẽm. Nhóm tượng người phụ nữ cao 9¸10m, tượng em gái nhỏ cao 5,5¸6,5m, làm bằng chất liệu đá xám granit.

Gallery