“Diễn đàn Kiến trúc với Doanh nghiệp – Vì sự phát triển của Kiến trúc Việt Nam” vừa qua đã để lại nhiều dư âm ý nghĩa đằng sau mỗi chia sẻ đầy tâm huyết của các KTS cũng như chủ Doanh nghiệp tham dự.
Kienviet.net xin được trích lược nội dung buổi phỏng vấn của KTS Đinh Văn Hoàn (Viện Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam) với KTS Nguyễn Tiến Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty HAAI. Architecture để bạn đọc có thêm nhiều góc nhìn đa dạng về mối quan hệ giữa KTS và doanh nghiệp ngày nay.

TS. KTS. Nguyễn Tiến Thuận
1. Là một KTS thành công và đặc biệt có những dấu ấn trong các tác phẩm kiến trúc, xin ông chia sẻ triết lý thiết kế kiến trúc trong các tác phẩm của mình cũng như của Công ty Kiến trúc X1-HAAI?
Triết lý làm nghề của tôi có thể nói gọn trong bốn từ sau: Đơn giản, Trung thực, Tâm lý và Ấn tượng.
- Đơn giản là sự cô đọng nhất, tinh khiết và trong sáng nhất để mang đến giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Đơn giản cũng là con đường ngắn nhất, đến nhanh nhất để diễn tả ý tưởng của mình, bởi Đơn giản cũng là điều dễ hiểu nhất!
- Trung thực là sự phản ánh một cách đúng nhất cái tự thân của nó, của kiến trúc. Trung thực là triết lý sống, triết lý làm nghề của tôi – Đó có thể xem là đạo đức nghệ thuật! Khi không phải sử dụng bất cứ chiêu trò gì, sảo thuật gì trong xử lý đồ án kiến trúc, đó là lúc tôi thấy sảng khoái và tự tin vào tác phẩm của mình.
- Tâm lý là sự đề cao giá trị phục vụ con người trong tác phẩm kiến trúc. Kiến trúc không phù hợp với tâm lý người sử dụng, xem như nó chẳng còn giá trị gì cả. Con người sẽ thấy yêu và thân thiện với kiến trúc khi nó phù hợp với tâm lý của người ta. Đó chính là kinh nghiệm trải đời, tổ chức cuộc sống của tác giả đồ án kiến trúc.
- Ấn tượng là giá trị hiệu quả của tác phẩm nghệ thuật. Kiến trúc không tạo được ấn tượng xem như không có nghệ thuật. Ấn tượng là điều còn được lưu lại trong công chúng, chính vì vậy, ấn tượng là cái đích cuối cùng của mỗi một lao động sáng tạo. Tôi cho phép mình tạm dừng lao động sáng tạo khi cái ấn tượng đã có, trong sự đồng thời hội tụ đủ các triết lý nêu trên.
2. Để thành công trong môi trường tư vấn khắc nghiệt và nhiều cạnh tranh, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm, đặc biệt làm thế nào để có tiếng nói chung thuyết phục được Doanh nghiệp để thỏa mãn sự sáng tạo của kiến trúc sư?
Vì câu hỏi đặt tôi vào trong một bối cảnh là “Môi trường tư vấn khắc nghiệt”, “với nhiều cạnh tranh”, nên tôi phải nói về vấn đề này trước đã, vì mỗi người sẽ hiểu khác nhau. “Môi trường… khắc nghiệt” chưa hẳn đã là môi trường xấu, vì có thể sẽ là một môi trường có yêu cầu rất cao, rất khó! Cái đáng sợ là chúng ta đang làm nghề trong một môi trường rất thiếu sự minh bạch. Còn “với nhiều cạnh tranh” thì cũng là lẽ bình thường. Chúng ta phải thừa nhận rằng, nghề tư vấn kiến trúc là nghề gắn liền với thi tuyển. Điều này không chỉ riêng ở Việt Nam, mà trên thế giới cũng là như vậy. Muốn có tác phẩm được xây dựng, chúng ta phải chấp nhận tham gia thi tuyển. Tuy nhiên, cái đáng sợ là thi tuyển không minh bạch!
Trở lại vấn đề “… chia sẻ những kinh nghiệm, … làm thế nào để có tiếng nói chung thuyết phục được Doanh nghiệp để thỏa mãn sự sáng tạo của kiến trúc sư”. Tôi có thể trả lời luôn là tôi không có kinh nghiệm gì cả, ngoài việc phải nhiệt tình, tận tụy với họ hết mức rồi sẽ có tiếng nói chung, sẽ thuyết phục được họ. Còn “để thỏa mãn sự sáng tạo của kiến trúc sư” thì ở Việt Nam, cơ hội này còn hiếm hoi lắm! Chính vì thế, các kiến trúc sư chỉ nên đưa ra cho Chủ đầu tư những đề xuất mà chính mình có thể chấp nhận được mà thôi!

3. Một công trình được tạo dựng thành công không chỉ thỏa mãn sáng tạo của kiến trúc sư, được người sử dụng ghi nhận mà còn cần đáp ứng mục tiêu lợi nhuận của Chủ đầu tư. Vậy, làm thế nào để cân bằng điều tiết các tiêu chí này?
Có thể nói rằng, nghề tư vấn thiết kế kiến trúc là nghề phải đáp ứng được mục tiêu của chủ đầu tư. Chúng ta cần phải hiểu họ một cách sâu sắc rằng họ muốn gì, cần gì, ngay cả khi họ không có khả năng diễn đạt điều họ muốn đầu tư! Nếu kiến trúc của chúng ta không thỏa mãn được mục tiêu của chủ đầu tư, xem như công việc tư vấn của chúng ta chưa thành công. Ngược lại, nếu chỉ thỏa mãn được mục tiêu của chủ đầu tư, mà kiến trúc không đạt được yêu cầu gì cả, thì xem như kiến trúc sư đã mất nghề và công việc nên dừng lại ở đó! Trên thực tế thì cũng không khó khăn lắm, đây là phép ứng xử nghề nghiệp. Kiến trúc sư phải bằng tài năng của mình để đạt được tất cả!
4. Làm thế nào để kiến trúc sư thể hiện được vai trò trách nhiệm với xã hội, với các xu hướng tích cực (như xu hướng kiến trúc xanh), được chủ đầu tư tôn trọng và đồng thuận với những sáng tạo kiến trúc của kiến trúc sư?
Tự thân nghề kiến trúc sư đã là một nghề luôn gắn liền công việc của nó với trách nhiệm xã hội, nó vừa rộng, vừa lớn đồng thời lại vừa len lỏi ăn sâu vào trong từng ngóc ngách của đời sống xã hội. Chính vì thế, kiến trúc sư luôn có vai trò thúc đẩy nhận thức của cộng đồng xã hội. Trước mỗi xu hướng tích cực của kiến trúc, là cơ hội để kiến trúc sư thể hiện được trách nhiệm của mình. Như kiến trúc xanh, là một xu hướng quá đúng đắn và không có gì khó hiểu với nhận thức của các chủ đầu tư. Để được các chủ đầu tư tôn trọng và đồng thuận với các đề xuất của mình, các kiến trúc sư không có cách nào khác, ngoài việc phải nghiên cứu thật thành công tác phẩm của mình. Trên thực tế, nhiều đề xuất theo xu hướng kiến trúc tích cực của kiến trúc sư không được thực hiện, không hẳn do chủ đầu tư không tôn trọng hay không đồng thuận. Mà là do những yếu tố khó khăn khách quan, chính các chủ đầu tư thông minh cũng không vượt qua được.
5. Các kiến trúc sư đều mong muốn có một sân chơi bình đẳng và minh bạch. Vậy Luật Kiến trúc có đáp ứng được điều đó không?
Một trong những mục tiêu ra đời của Luật Kiến trúc là nhằm để đạt được mong muốn của kiến trúc sư như câu hỏi đã nêu. Chẳng nhẽ khi đã có luật, lại không hơn gì khi chưa có luật! Cái hay của việc có luật, là mỗi khi có sự sai lệch, chúng ta có cái dựa vào để soi xét, để cân chỉnh lại cho đúng. Còn chúng ta đều biết rằng, luật có đáp ứng được hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác làm theo luật của mọi người. Bằng kinh nghiệm sống của mình, tôi đặc biệt tin tưởng vào giới kiến trúc sư, những người có cái nghề đã tạo nên sự sảng khoái và tư chất cao cả của họ. Vì thế, nếu luật có gì không đáp ứng được, ắt không phải do các kiến trúc sư!
(Nguồn: Sưu tập kienviet.net)