KTS Nguyễn Tiến Thuận và giải thưởng kiến trúc năm 2004

Giải thưởng Kiến trúc năm 2004 không có nhất. Đó là một điều đáng tiếc, song như nhận định của giới chuyên môn: không phải mùa nào cũng bội thu, nhất là khi “lúa” chưa đến độ chín. Yếu tố thành công tiềm ẩn ngay trong nhiều tác phẩm đoạt giải. Quan trọng là ta đã nhìn nhận thế nào để tạo một môi trường thuận lợi nhất cho người làm nghề sáng tạo những tác phẩm ở đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và ý nghĩa xã hội. Cuộc trò chuyện dưới đây với KTS Nguyễn Tiến Thuận – tác giả Tòa nhà trung tâm (thuộc TT Hội chợ triển lãm thương mại văn hóa Hải Phòng), giải nhì giải thưởng Kiến trúc năm 2004 giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về công trình này, cũng như một số vấn đề của kiến trúc hôm nay.

– Giải thưởng đã đến lần thứ 6, nhưng đây là lần đầu tiên ông tham gia ?

– Người làm nghề đôi khi chỉ mải mê với công việc, hơn nữa sức hút của giải thưởng này chưa mạnh lắm đối với chúng tôi. Năm 2004, tôi và đồng nghiệp dự giải một phần vì sự hài lòng gần như tuyệt đối về công trình Tòa nhà trung tâm (Trung tâm Hội chợ triển lãm thương mại văn hóa Hải Phòng), phần khác tôi đang là Chủ tịch Hội kiến trúc sư trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cũng tham gia vì trách nhiệm và tinh thần gương mẫu (cười).

– Theo ông, một tác phẩm kiến trúc đoạt giải phải có những yếu tố gì và điều này thể hiện trong công trình của ông thế nào ?

– Có rất nhiều yếu tố, song tính dân tộc, tính hiện đại và ý nghĩa xã hội là những điều quan trọng nhất. Anh KTS không phải chỉ biết tính toán tới công năng công trình mà còn phải biết thổi hồn vào tác phẩm. Chính vì thế tôi vẫn nói các bạn trẻ hôm nay đừng chỉ quan tâm tới kỹ thuật, học kiến trúc phải am hiểu cả văn học, nghệ thuật.

Tòa nhà trung tâm (TT Hội chợ thương mại văn hóa Hải Phòng) là một công trình có mặt bằng hình ê-líp (ellipse), kiến trúc mái lấy cảm hứng từ hình ảnh mái đình cong cong của làng quê Việt Nam và cánh diều no gió. Đây cũng chính là hình ảnh con thuyền ra khơi, băng băng lướt sóng – một biểu tượng đầy ấn tượng của thành phố cảng. Vì dấu ấn đậm nét của dân tộc Việt Nam và quê hương đất cảng mà phương án này được chủ đầu tư chọn ngay lập tức trong 3 phương án chúng tôi đưa ra. Tất nhiên còn vì lý do đây là tòa nhà đầy tính hiện đại. Có thể nói trong thời điểm hiện nay nó là một trong những tòa nhà có kết cấu không gian và khẩu độ lớn nhất Việt Nam. Tổng diện tích sàn 10.000m2; mái dài 160m, rộng 84m, chiều cao tại đường mái cao nhất là 48m, thấp nhất là 35m. Hệ kết cấu không gian cấu trúc tinh thể với công nghệ hiện đại đã tôn thêm vẻ đẹp mạnh mẽ, phóng khoáng của ý đồ kiến trúc.

Về mặt xã hội, đây là tòa nhà đa chức năng, ngoài các hoạt động chính là hội chợ triển lãm, nó có thể tổ chức biểu diễn dạ hội, nhạc trẻ với sức chứa 800 đến 1200 người. Hệ thống ghế khán đài di động còn cho phép thi đấu thể thao.

– Có điều gì khiến ông chưa hài lòng về công trình ?

– KTS có thể làm tốt khâu thiết kế của mình song anh ta không thể quyết định toàn bộ chất lượng công trình vì còn có sự tham gia của chủ đầu tư và nhà thầu. Tòa nhà trung tâm xây trong thời gian tương đối nhanh – 6 tháng (khánh thành ngày 12-5-2004) để kịp kỷ niệm một ngày lễ trọng đại của Hải Phòng. Những lỗi thi công vì thế khó lòng tránh khỏi. Chúng tôi đã thống kê ra 52 vấn đề phải được sửa lại ở tòa nhà này. Chủ đầu tư và nhà thầu cũng nhất trí với KTS.

– Ông sẽ tham gia các giải thưởng Kiến trúc lần sau?

– Tôi nghĩ rằng cứ sáng tác đã. Những tác phẩm của các KTS đang có mặt ở nhiều nơi trên cả nước đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội chẳng phải là giải thưởng lớn nhất của người làm nghề hay sao ? Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là giải thưởng của Hội kiến trúc sư Việt Nam không quan trọng. Song để nó thực sự là một sinh hoạt nghề nghiệp không thể thiếu của giới KTS trong nước thì chúng ta cần nâng cao tính học thuật, sự ảnh hưởng xã hội cũng như khâu tổ chức của mỗi cuộc thi.

– Xin cảm ơn ông !

(Nguồn: hanoimoi.com.vn)