Đối thoại với Nghề Kiến trúc
Tâm điểm của Diễn đàn Kiến trúc và phát triển sáng tạo tại Liên hoan KTS Trẻ toàn quốc lần thứ VI chính là cuộc trò chuyện hấp dẫn giữa các KTS trẻ Việt Nam, đại diện là TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân (Phó Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc – Công trình trường ĐH Phương Đông) với các KTS danh tiếng: KTS Salvado Perez Arroyo (Tây Ban Nha), KTS Hồ Thiệu Trị, KTS Nguyễn Tiến Thuận. Rất nhiều KTS đã tham gia trong cuộc gặp gỡ này. Những “cây đại thụ” trong nghề kiến trúc ngồi đó, kể về cuộc chơi với nghề, với sự thử nghiệm và sáng tạo – Họ chia sẻ những bài học kinh nghiệm với giới trẻ mà cứ như đang tự nói với mình, tự nhủ với mình: “Hãy cố gắng! Hãy kiên nhẫn! Hãy học hỏi và thử nghiệm…”
TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân: Với yêu cầu chỉ dùng 3 từ để nói về KTS trẻ Việt Nam thì các ông sẽ nói gì?
KTS Salvador: Phải nói rằng tôi rất thích tinh thần của các KTS trẻ Việt Nam. Đây đang là thời điểm khó khăn, cũng đồng thời là cơ hội đối với giới KTS. Tôi muốn nói với các bạn rằng: Kiến trúc sẽ chỉ tốt lên khi có KTS tốt và khách hàng tốt. Chính phủ Việt Nam đang có nhiều biện pháp để thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Tôi đặt lòng tin vào các KTS trẻ Việt Nam, các bạn sẽ tìm được khách hàng tốt và tìm thấy con đường đi đúng cho nghề nghiệp của mình với sự say mê và sáng tạo.
KTS Nguyễn Tiến Thuận: Tôi sẽ nói thật ngắn gọn thôi: KTS trẻ Việt Nam là những người Tin cậy được!
KTS Hồ Thiệu Trị: Hình ảnh KTS trẻ Việt Nam ở hiện tại và tương lai có thể được hình dung tương ứng với từng thời kỳ như sau: Đam mê (giai đoạn đầu, mới bước chân vào nghề) – Sáng tạo (thăng hoa ý tưởng mới) – Chuyên nghiệp (rất quan trọng trong quá trình hành nghề).
KTS Nguyễn Quốc Tuân: Xin được hỏi KTS Hồ Thiệu Trị: Ông từng làm việc rất lâu tại Pháp, điều gì ông thấy thú vị nhất, hoặc thất vọng nhất khi làm việc tại Việt Nam?
KTS Hồ Thiệu Trị: Phải nói rằng tôi đã rất sung sướng khi có cơ hội làm việc tại đất nước mình. Trải qua rất nhiều việc, tôi nhận ra một điều: Phải rất kiên nhẫn mới có thể làm việc tại Việt Nam. Trong hai năm, từ 1995-1997, dự án cải tạo Nhà hát lớn Hà Nội đã mở ra cho tôi rất nhiều điều về sự sáng tạo, đặc biệt là việc thiết kế kiến trúc trong điều kiện thiếu thốn ở Việt Nam thời đó. Nhờ vậy, tôi có được những kỹ năng mới, trỗi dậy những đam mê và buộc phải nỗ lực hơn, sáng tạo nhiều hơn. Thực tế cho thấy ở Việt Nam tôi có cơ hội tiếp xúc với những đề tài đa dạng: chung cư, nhà hát, văn phòng… Tuy nhiên, sự thiếu chuyên nghiệp ở nhiều khía cạnh: đầu tư, quản lý, lãnh đạo, KTS…đã trở thành một khó khăn lớn đối với người làm nghề. Điều này đã và đang được cải thiện dần dần nhưng cho đến giờ vẫn đang là rào cản đáng kể đối với sự phát triển kiến trúc, xây dựng ở Việt Nam.
KTS Nguyễn Quốc Tuân: Nhân khi KTS Hồ Thiệu Trị nói đến sự kiên nhẫn, xin được đặt câu hỏi với KTS Nguyễn Tiến Thuận: Trong số những công trình của ông, chợ Đông Hà được thiết kế năm 1990 và hoàn thành năm 2003. Thời gian 13 năm đó có phải là sự thử thách lòng kiên nhẫn của một KTS?
KTS Nguyễn Tiến Thuận: Trước hết, xin có vài lời với các bạn. Tôi là một KTS Hà Nội, tốt nghiệp năm 1972, chưa từng du học, đã và đang hành nghề với sự nỗ lực của bản thân. Riêng việc ngồi ở đây hôm nay đã là một sự vinh danh đối với tôi.
Về công trình Chợ Đông Hà, từ khi khởi công đến lúc hoàn thành kéo dài 13 năm. Những công trình như vậy trên thế giới không hiếm. Bạn có thể đặt câu hỏi: Trong suốt thời gian đó, đến khi đưa vào sử dụng liệu công trình có trở nên lạc hậu? Trong nhiều bài giảng của mình, tôi có chia sẻ với các em sinh viên: Có một đặc trưng của thể loại công trình công cộng, đó là vấn đề quản lý. Người ta không quản lý bằng dự toán chi tiết mà phải bằng suất đầu tư. Nhưng ở Việt Nam, thực tế là vậy, có nhiều điều muốn thay đổi cũng không thay đổi được, nên đành thích nghi với nó. Ở nước ngoài, KTS có những quyền nhất định trong việc ứng xử với công trình được xây dựng trong thời gian dài. Trong những trường hợp cụ thể, tôi vẫn phải có cách của mình để làm được những thay đổi cần thiết so với thiết kế ban đầu.
KTS Nguyễn Quốc Tuân: Thưa KTS Salvador, với câu trả lời của KTS Nguyễn Tiến Thuận, ông có thể cho chúng tôi biết về môi trường hành nghề KTS tại nước ngoài ra sao, KTS có quyền được can thiệp đến đâu trong những công trình của mình?
KTS Salvador: Xin chia sẻ với các bạn trường hợp 1 thư viện được xây dựng ở London trong 15 năm. Cho đến khi xuất hiện, nó vẫn mang dáng vẻ của công trình được thiết kế lúc ban đầu với chất lượng xây dựng hoàn hảo. Kinh nghiệm cho các bạn, đó là: Luôn phải có cách riêng của mình, có lời giải thích cho lý do tồn tại hình ảnh đó, chi tiết đó.
Tôi đã gặp KTS Nguyễn Tiến Thuận nhiều lần và biết ông ấy là một người mạnh mẽ. Một KTS – nghệ sỹ chân chính không cần mối liên hệ với thời gian, bởi lẽ những ý tưởng sáng tạo kiến trúc không phải là thời trang, công trình của bạn phải có đích đến lâu dài. Các bạn nên nghĩ về điều đó.
KTS Nguyễn Trí Thông (CLB KTS Trẻ Cần Thơ): Xin được hỏi chung cả 3 ông: Bao nhiêu tuổi thì các ông sống được bằng nghề và bao nhiêu tuổi thì các ông nổi tiếng được bằng nghề?
KTS Hồ Thiệu Trị: Cá nhân tôi nghĩ rằng nghề KTS không có giới hạn trẻ hay già, nhất là khi vẫn còn lòng say mê, tinh thần sáng tạo và ham muốn làm nghề. Các bạn thấy đấy, tôi đã thất tuần và vẫn đang làm việc. Tôi biết giai đoạn ban đầu rất khó khăn với KTS trẻ. Tôi cho rằng những cuộc thi kiến trúc là môi trường rất tốt để các bạn thể hiện mình, tiếp cận những cơ hội làm nghề và sáng tạo. Hãy tiếp cận mọi thứ với tinh thần tích cực và các bạn sẽ được đền đáp.
KTS Nguyễn Tiến Thuận: Tôi không có nghề gì khác và quả thật là từ trước tới giờ tôi vẫn sống bằng nghề. Có lần, tôi đi trên xe và gặp một bà Việt kiều, khi biết tôi là KTS liền tỏ vẻ kính trọng vì nghĩ là tôi giàu lắm. Ở nước ngoài, KTS thường là giàu – như hai đồng nghiệp của tôi, ông Salvardo và ông Hồ Thiệu Trị đây. Nhưng thực tế thì các bạn biết đấy, điều kiện hành nghề ở Việt Nam rất khó khăn trong khi kiến trúc lại là một thể loại nghệ thuật cần đến tiền. Nếu như ông Salvador và Hồ Thiệu Trị từng làm những công trình có kinh phí đầu tư hàng ngàn tỷ thì tôi đã phải rất chật vật để làm nên biểu tượng của Hải Phòng chỉ với 60-70 tỷ đồng. Và, câu trả lời ở đây là: Để sống và nổi tiếng bằng nghề, không có cách nào hơn là phải cố gắng, cố gắng hết mình.
KTS Salvador: Xin chia sẻ với các bạn, khi tốt nghiệp tôi đã bắt đầu với việc làm giáo viên dạy môn hình học, sau đó mới tới những dự án riêng. Đó là khoảng thời gian khó khăn để bắt đầu, không chỉ đối với riêng tôi. Tấm bằng đại học chỉ có giá trị khởi đầu mọi việc. Nếu bạn không có tính hiếu kỳ cũng như không bao giờ đọc sách thì mọi việc thực sự rất khó khăn. Một KTS luôn phải học tập và trải qua vô số kỳ thi trong cuộc đời mình. Bạn đừng bao giờ chỉ là một KTS – Hãy luôn hiếu kỳ để khám phá và thử nghiệm mọi thứ. Đó là lời khuyên của tôi dành cho bạn.
KTS Trần Hữu Thọ (Thành viên nhóm A+G): Thiết kế xanh đang ngày càng phổ biến. Các ông có thể cho biết thiết kế của các ông đã thay đổi như thế nào với sự trỗi dậy của kiến trúc xanh?
KTS Nguyễn Tiến Thuận: Kiến trúc xanh là một xu hướng hoàn toàn đúng. Nhưng về điều này tôi có quan điểm hơi khác với mọi người. Thực ra bất kỳ KTS được đào tạo bài bản khi đặt bút vẽ đã phải nghĩ ngay đến việc công trình phải chịu mưa, nắng, thông gió, ánh sáng tự nhiên, điều chỉnh vi khí hậu thế nào. Chỉ khi vấn đề được xới lên người ta mới nói nhiều về nó và có những nghiên cứu sâu hơn. Nếu ai không quan tâm đến nó khi thiết kế thì đó là điều sai sót. Các nhà trường nên đưa kiến trúc xanh vào làm tiêu chí để chấm các đồ án cũng như mục tiêu của đào tạo.
KTS Hồ Thiệu Trị: Có nhiều định nghĩa còn chưa thống nhất về kiến trúc xanh. Theo tôi vấn đề năng lượng tự nhiêu được đề cập đến nhiều hơn. Nên đưa vào những công trình cụ thể để phân tích, đánh giá, hướng đến những thiết kế bền vững, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội.
KTS Salvador: Có hai vấn đề lớn mà chúng ta gặp phải: Sự gia tăng dân số, không thể quay trở lại với vật liệu tự nhiên, phải tạo ra vật liệu mới dựa vào tự nhiên. Đối với kiến trúc xanh, bản năng thiết kế là điều rất quan trọng. Vấn đề của Việt Nam chính là trong quá trình thiết kế đô thị, kiến trúc xanh là bất khả thi khi chúng ta cung cấp những căn hộ, nhà chia lô… không có sự cách nhiệt, không có sự thông thoáng. Nhiều người tin rằng KTS là một nghề thời trang, chuyên thiết kế các hình dạng kiến trúc. Nếu bạn là một KTS thực sự đam mê với nghề, bạn không thể chỉ học kiến trúc mà phải nghiên cứu các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, bạn phải tìm hiểu về đô thị, thúc đẩy quá trình trở lại với bản năng thiết kế ban đầu. KTS thực sự không chỉ xây cái mái nhà màu xanh mà phải giải quyết tất cả các vấn đề giúp cho cuộc sống của con người chất lượng hơn, hòa nhập và thân thiện hơn với môi trường.
KTS Nguyễn Quốc Tuân: Xin cảm ơn các KTS đã dành thời gian gặp gỡ và trò chuyện với chúng tôi!
(Nguồn: tapchikientruc.com.vn)